Lượt xem: 473

Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển

Với diện tích bãi bồi rộng và chạy dọc theo bờ biển, tỉnh Sóc Trăng có nhiều lợi thế trong khai thác nguồn lợi thủy sản ven biển. Như khu vực bãi bồi ven biển thuộc địa bàn Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu đã xuất hiện nhiều bãi nghêu, sò giống với số lượng và diện tích khá lớn. Tuy vậy, khai thác chưa đi đôi với công tác bảo tồn khiến nguồn giống thủy sản tại tỉnh  trong những năm qua suy giảm rõ rệt. Trước thực trạng này, công tác tuần tra, tuyên tuyền về khai thác nguồn lợi thủy sản luôn được Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng tăng cường thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ  nhằm duy trì sinh kế bền vững cho người dân  trong khu vực.

 


Ghe cào khai thác nghêu từ các tỉnh lân cận xuất hiện nhiều tại khu vực ven biển thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu

 

    Dải rừng ngập mặn chạy dọc khu vực bãi bồi ở các địa phương ven biển của tỉnh Sóc Trăng là nơi trú ngụ của nhiều giống thủy sản khác nhau, trong đó tính riêng trữ lượng nghêu giống trên bãi bồi huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu là trên 140 tấn. Đây là loại nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao, đặc biệt vào mùa cao điểm, lượng nghêu giống khai thác được mang về thu nhập gần 1 triệu đồng cho mỗi ghe cào. Dù vậy, trong những năm gần đây, sản lượng nghêu giống đã có sự sụt giảm nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân. Đồng chí Đồ Văn Thừa - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết: “Tình hình khai thác nghêu tại Cù Lao Dung có phần sụt giảm hơn so với những năm trước. Cụ thể sản lượng nghêu giống hiện tại sụt giảm khoảng 80% so với thời điểm trước năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất hiện nhiều ghe tàu khai thác nghêu quá mức và một phần là do sự thay đổi dòng chảy sông Mê Kông làm suy giảm sản lượng nghêu bố mẹ”.

    Lượng nghêu giống và sò huyết giống xuất hiện nhiều tại khu vực bãi bồi trong thời gian từ cuối tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm. Đây cũng là thời điểm mà số lượng ghe cào khai thác nghêu từ các tỉnh lân cận xuất hiện nhiều tại khu vực ven biển thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Tình trạng khai thác quá mức bằng nhiều hình thức không chỉ ảnh hưởng đến nguồn giống thủy sản tại địa phương mà còn tác động tiêu cực đến diện tích rừng non mới trồng, về lâu dài có nguy cơ gây sạt lở nghiêm trọng  khu vực vùng ven bờ.

    Hằng năm, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp cùng Đồn biên phòng và Hạt kiểm lâm tại các địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra đột xuất nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời trường hợp vi phạm. Công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh, hình thức xử phạt có tính răn đe cao đã giúp nhiều ngư dân có nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của vấn đề khai thác nguồn lợi thủy sản  gắn với công tác bảo tồn. Ngư dân Thái Văn Đến ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề chia sẻ: “Mình khai thác những loại cá lớn thôi, chứ nguồn giống thủy sản mà Nhà nước cấm thì mình tuyệt đối không khai thác. Anh em ghe cào khi gặp nhau cũng tuyên truyền nhắc nhở nhau để không vi phạm”.

    Sóc Trăng tiếp giáp với Biển Đông, tuy chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu nhưng nguồn lợi kinh tế từ biển, vùng ven là rất lớn nếu được quản lý, khai thác hợp lý. Ngành Thủy sản tỉnh nhà vẫn đang triển khai quyết liệt các giải pháp để có thể vừa bảo tồn vừa khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng. Tổ chức khảo sát, đánh giá sự xuất hiện nguồn lợi nghêu giống và hiện trạng khai thác nghêu của ngư dân trên bãi nghêu vùng ven biển của tỉnh, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý và làm cơ sở khoa học tham mưu ban hành các văn bản quy định quản lý nguồn lợi nghêu giống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vận động ngư dân có hoạt động khai thác thủy sản tại vùng ven bờ tham gia các nhóm đồng quản lý nghề cá ven bờ để cùng với chính quyền địa phương quản lý tốt nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ cũng như nâng cao nhận thức về quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Đồng chí Lư Tấn Hòa – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, song việc cấm triệt để bà con khai thác nguồn giống thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Văn bản pháp lý với đầy đủ các chế tài đã được ban hành, nhưng khó thực hiện khi nghề này trở thành sinh kế chủ yếu của các hộ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng ven biển.  Trước mắt chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của bà con ngư dân, thông tin thường xuyên về Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan. Về lâu dài sẽ kiên quyết xử phạt theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp tái phạm…”.


Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp cùng Đồn biên phòng và Hạt kiểm lâm thường xuyên tổ chức tuần tra đột xuất 

 

    Tình trạng khai thác trái phép nguồn giống thủy sản không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nguyên vùng ven biển mà còn liên quan trực tiếp đến thu nhập của bà con ngư dân trong khu vực khi sản lượng khai thác ngày càng hạn chế. Vì vậy, cùng với các giải pháp đã và đang được ngành chức năng đẩy mạnh, người dân cần có ý thức hơn thông qua việc khai thác hợp lý, khai thác gắn với bảo tồn. Đây là tiền đề quan trọng để phát triền bền vững lĩnh vực thủy sản tỉnh nhà từ  khâu nuôi trồng, khai thác đến chế biến, đồng thời giúp Sóc Trăng thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch sinh thái biển và vùng ven biển.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 73
  • Hôm nay: 1464
  • Trong tuần: 70,797
  • Tất cả: 11,864,824